Elon Musk mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD: Liệu nền tảng này sẽ thay đổi? – BBC News

Elon Musk mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD: Liệu nền tảng này sẽ thay đổi? – BBC News
04/26/2022

KBCHNTV thông báo: Kênh youtube của KBCHNTV được chuyển về https://www.youtube.com/channel/UC3gL7TJkgUF1WsdtoU6ut8w 
https://www.youtube.com/channel/UCUYHCuct76okHEUw0epaGtg (Ca sĩ Lệ Hằng)


Natalie Sherman
Daniel Thomas – Phóng viên kinh doanh ti New York, Mỹ 

Tỷ phú công nghệ Elon Musk

Nguồn hình ảnh, Reuters – Chụp lại hình ảnh, Tỷ phú công nghệ Elon Musk

Hội đồng quản trị của Twitter đồng ‎ý với thỏa thuận trị giá 44 tỷ USD từ tỷ phú Elon Musk. 

Ông Musk, người đưa ra thỏa thuận gây sốc cách đây chưa đầy 2 tuần, nói rằng Twitter có “tiềm năng khổng lồ” mà ông sẽ khai phá.

T‎ỷ phú công nghệ cũng kêu gọi thực hiện một loạt thay đổi từ việc nới lỏng các hạn chế về nội dung cho tới xóa bỏ các tài khoản giả mạo.

Ban đầu, Twitter từ chối mức giá của ông Musk, nhưng giờ đây yêu cầu các cổ đông bỏ phiếu để thông qua thỏa thuận.

Theo tạp chí Forbes, Elon Musk là người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ròng ước tính 273,6 tỷ USD, chủ yếu nhờ cổ phần trong hãng sản xuất xe điện Tesla do ông lãnh đạo. Ông cũng điều hành công ty vũ trụ SpaceX.

“Tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ đang vận hành, và Twitter là quảng trường kỹ thuật số, nơi các vấn đề sống còn đối với tương lai của nhân loại được tranh luận”, ông Musk trong thông cáo về thỏa thuận.

“Tôi cũng muốn làm cho Twitter tốt hơn bao giờ hết bằng cách nâng cấp nó với các tính năng mới, làm cho các thuật toán trở thành mã nguồn mở để tăng độ tin cậy, đánh bại các chương trình gửi thư rác tự động và xác thực tất cả mọi người.”

“Twitter có tiềm năng khổng lồ – tôi mong muốn được hợp tác với công ty và cộng đồng người dùng để khai phá tiềm năng ấy”, tỷ phú người Mỹ cho hay. 

Động thái này diễn ra khi Twitter phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các chính trị gia và cơ quan quản lý về nội dung xuất hiện trên nền tảng của mình. Mạng xã hội với hàng trăm triệu người dùng đã bị chỉ trích từ mọi hướng khi nỗ lực dàn xếp các thông tin sai lệch trên nền tảng.

Một trong những hành động thu hút nhiều sự quan tâm nhất là vào năm ngoái, Twitter đã cấm cửa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, có lẽ là người dùng có quyền lực nhất của họ, với lý do có nguy cơ “kích động bạo lực”.

Vào thời điểm đó, ông Musk nhận xét: “Rất nhiều người sẽ không hài lòng với Twitter với tư cách là trọng tài thực tế của quyền tự do ngôn luận.”

Giới cầm quyền Mỹ đã hoan nghênh tin tức về thỏa thuận, mặc dù ông Trump hôm 25/4 nói với Fox News rằng ông không có kế hoạch tham gia lại mạng xã hội này. 

Nhà Trắng từ chối bình luận về thương vụ này nhưng người phát ngôn Jen Psaki nói với các phóng viên: “Bất kể ai sở hữu hay điều hành Twitter, tổng thống từ lâu đã lo ngại về sức mạnh của các nền tảng mạng xã hội lớn”.

Trên Twitter, Nghị sĩ Julian Knight, Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Anh gọi thỏa thuận này là một “sự phát triển phi thường trong thế giới mạng xã hội”.

“Sẽ rất thú vị khi thấy cách một Twitter thuộc sở hữu tư nhân (của một người đàn ông theo chủ nghĩa tuyệt đối về quyền tự do ngôn luận) sẽ phản ứng thế nào trước các động thái trên toàn cầu để điều hành.”

Elon Musk và logo của Twitter

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Elon Musk và logo của Twitter

Những tai tiếng của Elon Musk Twitter là gì?

Ông Musk, người có hơn 80 triệu người theo dõi trên Twitter, có một lịch sử gây tranh cãi đối với mạng xã hội này. 

Năm 2018, cơ quan quản lý tài chính Mỹ cáo buộc ông khiến các nhà đầu tư Tesla hiểu sai từ những dòng tweet của mình. Vụ việc sau đó được giải quyết bằng một khoản dàn xếp trị giá 40 triệu USD và người điều hành Tesla vẫn tiếp tục phủ nhận.

Năm 2019, vị tỷ phú công nghệ dính vào một vụ kiện phỉ báng – mà sau đó đã thắng kiện thành công – sau khi gọi một thợ lặn tham gia giải cứu các nam sinh trong một đội bóng nhí ở Thái Lan là “kẻ ấu dâm” trên Twitter. 

Hôm 25/4, ông Musk, người được biết có xung đột với các nhà báo cũng như chặn các nhà phê bình, từng gợi ý ông coi Twitter là một diễn đàn để tranh luận.

“Tôi hy vọng ngay cả những người chỉ trích tôi nhiều nhất vẫn còn trên Twitter, bởi vì đó là ý nghĩa của tự do ngôn luận”, ông Musk viết chỉ vài giờ trước khi thỏa thuận được công bố.

Liệu ông Musk có thể thay đổi Twitter?

Theo thỏa thuận dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay, cổ phiếu của Twitter sẽ bị hủy niêm yết công khai và chuyển sang chế độ tư hữu hóa.

Elon Musk gợi ý rằng điều này sẽ giúp ông tự do thực hiện những thay đổi mà ông muốn đối với tập đoàn.

Trong số các ý tưởng khác, ông đã đề xuất cho phép các bài đăng dài hơn và giới thiệu khả năng chỉnh sửa chúng sau khi đã được đăng lên.

Twitter hôm 25/4 nói kết thúc phiên giao dịch cổ phiếu Twitter đã tăng 5% sau khi thỏa thuận được công bố.

Nhưng mức giá này vẫn thấp hơn mức 54,20 USD cho mỗi cổ phiếu mà ông Musk chào mua, một dấu hiệu mà Phố Wall tin rằng ông này đang trả quá cao cho Twitter.

Ông Musk cho biết ông không “quan tâm đến tính kinh tế” của thương vụ. Tuy nhiên, ông sẽ đảm nhận một công ty có hồ sơ tài chính thăng trầm.

Bất chấp ảnh hưởng của mình, Twitter hiếm khi thu được lợi nhuận, và tốc độ tăng trưởng người dùng, đặc biệt là ở Mỹ, đã chậm lại.

Công ty được thành lập vào năm 2004 này trong năm 2021 đã thu được 5 tỷ USD và có 217 triệu người dùng mỗi ngày trên toàn cầu, một con số nhỏ so với các mạng xã hội khác công bố như Facebook. 

Bret Taylor, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Twitter, cho biết họ đã đánh giá toàn diện lời đề nghị của Musk và đó là “con đường tốt nhất về phía trước cho các cổ đông của Twitter”.

Người điều hành hiện tại của Twitter Parag Agrawal

Nguồn hình ảnh, Twitter / Chụp lại hình ảnh, 

Người điều hành hiện tại của Twitter Parag Agrawal

Không rõ ai sẽ là người dẫn dắt công ty sau này. Twitter hiện được lãnh đạo bởi Parag Agrawal, người đã tiếp quản từ người đồng sáng lập và ông chủ cũ Jack Dorsey vào tháng 11 năm ngoái.

Nhưng trong tài liệu đề nghị của mình, ông Musk nói với hội đồng quản trị của Twitter: “Tôi không tin tưởng vào ban lãnh đạo.”

Ông Agrawal nói với các nhân viên hôm 25/4 rằng tương lai của Twitter là không chắc chắn.

“Một khi thỏa thuận kết thúc, chúng tôi không biết nền tảng sẽ đi theo hướng nào”, hãng tin Reuters trích lời ông Agrawal.

Diễn biến thỏa thuận

Mục tiêu nhắm tới Twitter của ông Musk đã tăng lên với tốc độ đáng kể. Vào đầu tháng 4, ông trở thành cổ đông lớn nhất của công ty với 9,2% cổ phần.

Sau đó, người giàu nhất thế giới được mời tham gia hội đồng quản trị của Twitter nhưng ông đã từ chối trước khi tung ra một thỏa thuận bất ngờ vào ngày 14/4, nói rằng ông muốn “khai phá” tiềm năng của Twitter như một pháo đài của quyền tự do ngôn luận.

Twitter cố gắng trụ vững trước thỏa thuận của ông Musk, đe dọa sẽ pha loãng cổ phiếu của bất kỳ ai mua hơn 15% cổ phần của công ty. Tuy nhiên, lập trường của họ đã thay đổi sau khi ông Musk tiết lộ thêm chi tiết tài chính về mức giá đề xuất của mình.

Ông Musk đảm bảo tài chính 25,5 tỷ USD cho thương vụ và sẽ nhận 21 tỷ USD cổ phần trong doanh nghiệp.

Hội đồng quản trị đã nhất trí thông qua mức giá, hiện sẽ được đưa ra cho các cổ đông để bỏ phiếu.

Elon Musk: Vị vua mới Twitter

Phân tích của James Clayton – phóng viên công nghệ ở Bắc Mỹ

Tốc độ của thương vụ này đã xảy ra khiến nhiều người ở Thung lũng Silicon quay cuồng.

Không biết từ đâu, Elon Musk giờ là ông chủ tuyệt đối của Twitter.

Bản thân ông ấy đã nói đây không phải là về “kinh tế”, mà là về quyền lực và ảnh hưởng.

Bằng cách tư hữu hóa, ông ấy sẽ thực hiện toàn quyền kiểm soát đối với Twitter.

Ông ấy có quyền điều hành công ty theo ý mình. Trong thực tế, điều đó có nghĩa là một chính sách kiểm duyệt nội dung nhẹ nhàng hơn nhiều. 

Ông ấy cũng nói sẽ công khai thuật toán của Twitter – để mọi người có thể hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của mạng xã hội này.

Động thái này mở ra cánh cửa cho Donald Trump quay trở lại nền tảng này, mặc dù bây giờ Trump nói rằng ông ta muốn sử dụng mạng xã hội Truth Social của riêng mình. 

Trong nhiều năm, những người thuộc giới bảo thủ lập luận rằng Twitter có thành kiến với họ – và tin tức này đã khiến các đảng viên Cộng hòa ở Mỹ rất vui mừng.

Nhiều người cảm thấy quan ngại khi nghĩ Twitter sẽ ra sao nếu không còn sự kiểm duyệt chặt chẽ. 

Bạn chỉ cần nhìn vào số lượng chỉ trích mà Facebook phải nhận khi không xóa các nhóm có liên quan đến thuyết âm mưu QAnon, hoặc phong trào Stop the Steal, để hình dung Elon Musk sẽ đối mặt với những lời chỉ trích như thế nào.

Mối nguy hiểm mà Twitter hiện phải đối mặt là tự do ngôn luận không được kiểm soát trên mạng xã hội có thể trở nên rất xấu xí, một cách rất nhanh chóng.

https://www.bbc.com/vietnamese